Sau khi có một cái “Wedding” quành cháng ở cuối phần 1, anh sống một cuộc đời lam lũ & khắc khổ do nợ nần sau cái đám cưới ấy, ở một quận nội thành còn khá nghèo trong thành phố mang tên Bác. Tháng ngày trôi qua thật nhanh, thắm thoắt mà đã 4 năm. Theo cùng năm tháng của vợ chồng anh là kết tinh của một tình yêu “giang hồ gốc”. Thế nên, đứa con duy nhất của vợ chồng anh cũng có nét phảng phất bụi giang hồ (chắc giống mẹ nó)…
Từ lúc lập gia đình và sau khi ra trại, gia đình nhỏ của anh lại gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Bắt đầu trở lại & hoà nhập với xã hội bằng một công việc chuyên “sống về đêm”. (Quý vị đừng hiểu lầm, anh không còn dám quay trở lại nghề “đi khách” cũ nữa, mà đó là một công việc lương thiện, kiếm đồng tiền bằng mồ hôi & lá phổi của mình. Nghề hốt & quét rác là một nghề chuyên sống về đêm). Thật vậy! Khi thành phố đã đi ngủ thì anh mới bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Anh phải tham gia những cuộc vận động bỏ rác đúng nơi quy định của Sở Vệ Sinh phát động, mà thi thoảng, nó lại khiến anh nhớ nghề cũ, vì cái nghề mới cũng có tính chất giống như vậy… đó là việc phải đứng đường.
Tình hình kinh tế thế giới rơi vào cơn khủng hoảng, lạm phát phi mã khiến cho đồng tiền ngày càng mất đi giá trị, công việc ngày càng ít đi vì các công ty cắt giảm rất nhiều nhân sự thừa để thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí. Còn trên phương diện xã hội, người tiêu dùng hạn chế ăn + chơi… thế nên việc kiếm tiền ngày càng khó khăn. Một ngày, Sở Vệ Sinh cũng sa thải anh vì người dân bắt đầu đã có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, rác càng ngày càng ít để quét. Gia đình nhỏ của anh phải sống lây lất qua ngày bằng những bữa cơm đạm bạc (đạm ít bạc nhiều…): đó là những bữa cơm ở nhà hàng Hàn Quốc.
Dù vậy, thỉnh thoảng gia đình nhỏ của anh vẫn tiếp những vị khách “mời lơi mà cũng tới”. Đó là những người bạn đã cùng anh đồng cam cộng khổ trong chốn “phục hồi nhân phẩm” – nơi 4 năm về trước đã từng chia ngọt sẻ bùi (chẹp, chia hê rô in & sẻ thuốc lắc thì có) trong những góc tối của những căn phòng biệt giam.
Người ta thường nói “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”, nên bạn bè anh giúp anh một công việc làm phụ tá cho một người mẫu quảng cáo của một thương hiệu chuyên sản xuất gel vuốt tóc, dầu gội đầu và lược chải tóc hiệu Hitachi.
Theo chân người mẫu đi quay những video clip quảng cáo, anh “té” vào mắt xanh của một bà bầu show chuyên dàn dựng những chương trình quảng cáo cho hãng Louis Vuitton. Nhận thấy ở anh một tính tình trung thực, chịu thương chịu khó, cần cù chăm chỉ làm việc, bà bầu show nhận anh về làm công việc… kéo màn của những show trình diễn Louis Vuitton.
Nhận thấy sự phức tạp của thế giới “chân dài tới nách”, sống với nhau bằng những câu xã giao, luôn rình rập nhau để hại danh tiếng lẫn nhau… anh cảm thấy chán nản vì lúc nào cũng phải đeo một cái mặt nạ nặng trình trịch, anh quyết định rời bỏ công việc hậu đài.
Cuộc đời là những ngã rẽ, nếu ta không rẽ ngã này thì cũng phải rẽ ngã khác (trớt quớt hông?), anh gặp một bà bầu show khác, đang quản lý Rạp Xiếc GUCCI.
Xuất thân từ một bà buôn gánh bán bưng ở chợ (chuyên bán bầu, bí ngô…) mà không hiểu thế nào, bà này trở thành Manageress (Bà bầu) của một gánh xiếc danh tiếng đến từ Italy.
Được đưa vào đào tạo một cách chuyên nghiệp, cộng với tinh thần học hỏi không ngừng nâng cao khả năng của mình, anh sớm trở thành một diễn viên ảo thuật và diễn viên xiếc để phục vụ khán giả. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp, những tiết mục đặc sắc được dàn dựng và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế là: Đẩy lưng, thổi nến điện, đu chân dài…
Một lần, do tính háo sắc của đờn ông, đồng nghiệp của anh vướng phải một xì căn đal “sàm sỡ tình ái” với một quý bà, nghe đâu là vợ của một vị có chức sắc trong UBND Thành phố nơi gánh xiếc đang hoạt động. Cuối cùng, gánh xiếc GUCCI cũng bị giải thể vì đắc tội với bà ấy.
Gánh xiếc giải thể, nhân viên trong đoàn mỗi người một nơi, mỗi người một hoàn cảnh. Người thì đi bán bong bóng, người thì đi bán đồ chơi trẻ em, người thì bán cá viên chiên, bán bò bía ngọt,…
Buôn bán ể ẩm, nên hai người trong gánh xiếc thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn gồm 2 thành viên, chuyên kinh doanh ME CHUA.
Riêng về phần anh, sau khi rời khỏi đoàn xiếc, anh sắm chiếc xe đạp để đi bỏ mối & bán lẻ kẹo bông gòn ở Thương Xá Tax – nơi trước đây anh từng làm việc - như là một công việc tạm thời để đắp đổi qua ngày, chạy ăn từng bữa trong cơn khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm này dường như bán không chạy nữa vì người dân nhận thức rõ nguy cơ tiềm ẩn nằm sau những túi kẹo ngọt ngào đó, là cái bịnh “..ái đường”. Buôn bán không thuận lợi, doanh thu ngày càng giảm, anh đành phải chuyển nghề “người phu quét mo cau” cho những quý bà, quý ông không thích đi xế hộp.
Về phía gia đình của anh, vợ anh cũng dứt áo ra đi không một lời từ biệt, bỏ lại đứa con thơ cho anh chăm sóc… (giống tướng cướp Bạch Hải Đường quá!). Một lần, biết được vợ mình “dan díu, tằng tịu” với lão già Noel gần nhà, anh bèn đến gặp lão ta để nói chuyện phải trái. Nơi lão già Noel đang làm việc là một nhà hàng ở đường Đồng Khởi sang trọng vào bậc nhất của thành phố. Lời qua tiếng lại, mặc tình phân bua phải trái nhưng lão già Noel vẫn thổi kèn như không có chuyện gì xảy ra. Trong cơn nóng giận, anh bịt cây kèn của lão ta. Hoảng hốt vì sợ quánh ghen, lão già Noel cưỡi tuần lộc bay về trời…
Nghị Định 36CP cấm xe kéo, xích lô được ban hành, anh không còn công việc của “phu kéo mo cau” nữa. Công việc khan hiếm, anh đành quay trở lại nghề cũ vì không còn sự chọn lựa. Quy luật của cuộc đời, lần trở lại này, anh phải sales off đến 50% vì sắp hết.. date.
Già, xấu… không còn “hot” như ngày xưa nên chẳng mấy chốc, anh bị lão Tú Ông tống cổ ra đường. Cuối cùng, để kiếm tiền mua sữa cho con “bú”, anh phải gia nhập đội ngũ cái bang, lấy mái hiên làm nhà, vỉa hè làm nơi kiếm sống…
To be continued....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét