Trang

28 tháng 5, 2009

Nhảm tập n

 

Đang nghe bài “Tôi với trời bơ vơ” của Tùng Giang do Trần Thu Hà hát theo phong cách nhạc jazz, nghe cũng là lạ… so với mấy ca sĩ trước như Duy Quang, Ý Lan, Khánh Hà hát theo phong cách pop. Nói về jazz thì Trần Thu Hà làm bà trùm với phong cách này. Hình như là Hà Trần tốt nghiệp nhạc viện HN chuyên ngành về jazz với số điểm thủ khoa mà… (Hổng nhớ nghe thằng nhà báo nào đồn nữa). 

Đêm có tiếng thở dài, đêm có những ngậm ngùi 
Khu phố yên nằm, đôi bàn chân mỏi 
Trên lối về mưa bay…. 

Đêm tôi hát một mình, ru em giấc mộng lành 
Xin những yên bình, cho loài chim nhỏ  
Cao vút trời thênh thang…. 

Tôi ru em ngủ không bằng những lời buồn tôi đã viết 
Tôi ru em ngủ, này lời ru tha thiết dịu dàng 
Ai cho tôi một ngày yên vui, cho tôi quên cuộc đời bão nổi. 
Và tôi còn yêu thương loài người.

Đêm hiu hắt lạnh lùng, sâu thêm mắt muộn phiền
Soi bóng đời mình, bên dòng sông cũ
Tôi với trời bơ vơ…
.
 

Bài “Tôi với trời bơ vơ” thuộc dòng nhạc tiền chiến, tuổi đời của nó còn hơn cả tuổi đời của mình nên nhiều câu trong lời hát cũng thâm thúi (hơi hơi) như mấy bản nhạc tiền chiến cùng thời. Thấy hay hay, nên để cái status Yahoo bằng cái câu đầu tiên của bản nhạc “Đêm có tiếng thở dài…”. Một đứa bạn - chuyên gia chặt chém mình nhảy vào bình loạn… “Cưới vợ đi, thì đêm hết tiếng thở dài, mà đêm sẽ có tiếng thở… hổn hển”. “Chẹp, khiếp… Đồ…xxx giống tui!” Kakaka… 

Cưới vợ – một cụm từ ghép giữa động từ mang ý nghĩa tốn kém, mang đầy trách nhiệm và một danh từ mang ý nghĩa người gây ra sự tốn kém & đòi hỏi trách nhiệm. Đây là một quá trình, chính xác hơn là một giai đoạn của đời người trong kiếp nhân sinh mà ai cũng phải trãi qua chỉ có điều, cái giai đoạn ấy đến sớm hay muộn mà thôi… Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một vài em “lọt sổ”, và cái danh sách lọt sổ này ngày càng tăng trong một xã hội hiện đại – nơi mà cái tự do cá nhân, cái tôi cá nhân được đề cao hết mức. 

Để đến cái giai đoạn cưới vợ, theo sách vở ghi chép và mình đã được đọc, thì phải qua cái giai đoạn tình iu, là cái giai đoạn khởi đầu cho một chuỗi LY: Ly kỳ – Ly chén – Ly thân – Ly hôn. Đi nhậu với mấy ông anh ở Quận 7, ông nào cũng than thở về cuộc sống hôn nhân, về ràng buộc & trách nhiệm với vợ con, về sự mất tự do, về sự phiền toái, về cái túi tiền… nhưng ông nào cũng đốc thúc: Cưới vợ đi mày! Là sao ???? 

Muốn cưới vợ ngay cũng đâu có dễ, muốn cưới thì cũng phải yêu một ai chứ… Mà thú thiệt, xét về mặt vật lý, không biết cái bịnh “tim xì dzòi” của mình nó làm cho cơ tim bị xơ cứng hay không mà đi siêu âm bác sĩ lại bảo thế. Xét về mặt tinh thần, thì mấy cái bệnh tuổi già của mình luôn phải tránh những xúc động, rung động và… hành động, vì nó là những nguyên nhân tiềm ẩn để “đón chuyến xe cuối cùng của  cuộc đời trong hành trình tìm về… Địa phủ”. Riết rồi quen, không dám để mình xúc động, không dám cho phép mình có những cái hỉ nộ ái ố trong cuộc đời vì, đằng sau những cái hỉ nộ ái ố đấy là… tiếng thở hổn hển. Kekeke.  

Đôi khi cũng muốn nhắm mắt liều đại xem sao, biết đâu đó là dấu hiệu tích cực… Một liều ba bảy cũng liều mà. Nhưng khi quay đầu nhìn lại, thì như nhiều người nói “Quay đầu là bờ… tường” nên mình cứ bị u đầu, mẻ trán. Quay đầu trở lại mà thấy bờ tường, thì thôi, đi tiếp chớ quay lại làm gì… nên cuộc đời nó như những con sóng, cứ xô mình đi tới, đi tới, đi tới… Và lâu lâu giật mình thấy vài cọng tóc bạc và vài cái nếp nhăn, mới biết đời mình đã nổi mốc, xanh rêu… 

Gần đây ít nhậu, nguyên do là bác sĩ chửi quá trời khi đi xét nghiệm tổng quát: men gan cao hơn mức bình thường cho phép, nên phải kiêng cữ nhậu để theo dõi… định kỳ. Kakaka. Vài bữa nữa đi tái khám, cứ như là trông chờ kết quả sổ xố… Nhưng cái kết quả sổ xố thì cho cái kết quả mang giá trị từ vui mừng đến thất vọng, còn cái kết quả siêu âm thì cho cái kết quả mang giá trị từ vui mừng đến tuyệt vọng.. hix hix hix. Lần nào cầm kết quả ra cũng thấy… tiêu cực!  

Chà, không biết viết mấy cái chữ XXX trên này, post lên Yahoo không biết nó có bắt “set mature content” cho cái entry này không nữa. Nhớ lần trước mình post cái hình đi Sapa, bản Cát Cát có một thằng bé mới 1,2 tuổi gì đó không mặc quần, mà vô tình lọt vào cái khung hình của mình. Post lên xong, vài bữa sau, cái đám Yahoo 360 Team nó hỏi thăm "sức phẻ". Nó gửi cho một bản cảnh cáo, nguyên văn bằng Tiếng Anh, đại khái là… “bạn đã post một nội dung Adult content mà bạn không cảnh báo với mọi người nội dung này là mature content, nên đây là lần cảnh cáo…. Nếu còn tái phạm thì Yahoo sẽ block ngay tài khoản của bạn….”  Mịa, hổng lẽ cái tấm hình đó tụi nó xem là…. Children sex hả trời? Nhận được cái message đó, nghĩ cũng buồn cười thiệt…  

Thôi, anh fải về thôi, đi ngủ thôi… màn đêm im lặng cũng theo về…   

23 tháng 5, 2009

Cánh Đồng Bất Tận

Sơ lược về tác phẩm:

Chuyện về hai con người đau khổ có chung một số phận là Sương – người đàn bà đẹp – bị lăng nhục, hành hạ tàn nhẫn và Út Vũ – người đàn ông chung thủy – bị vợ phản bội trong cái mênh mông bát ngát của cánh đồng nước trải dài bất tận, trong những thời khắc u ám nhất của thiên nhiên và con người mà hành vi đầy thù hận của họ khiến ta ghê sợ và xót xa.

Câu chuyện trên con thuyền giữa hai người và giữa họ với đồng loại chứa chất cả yêu thương lẫn thù hận. Các tác giả kịch bản sân khấu (Minh Nguyệt) và truyện ngắn (Nguyễn Ngọc Tư) đã gặp nhau ở điểm là cả hai đều tìm cách giải thích và hóa giải sự thù hận (Út Vũ) bằng sự yêu thương (Sương).

Nhưng ở tác phẩm văn học, nhà văn nhìn cuộc sống có phần nào cay nghiệt trước các hiện tượng thì ở tác phẩm sân khấu, đạo diễn có cái nhìn xót xa, tin yêu và nhân ái. Trong vở diễn Cánh đồng bất tận (đạo diễn Minh Nguyệt), người xem thấy được sự yêu thương đã hóa giải sự thù hận.

Câu chuyện đầy kịch tính của Sương – người đàn bà đau đớn không kém gì số phận của Út Vũ – người đàn ông, nhưng Sương không thù ghét, căm hận con người, vẫn cố tìm ra ở con người những khoảng sáng bị bóng tối che khuất. Còn Út Vũ lại làm cho bóng tối dày đặc thêm bởi sự căm ghét đàn bà.

Sự trả thù khiến ông ta vô cảm trước những khát khao chân thành của những người đàn bà ông đã gặp trên bước đường lênh đênh trôi nổi. Út Vũ vẫn thèm đàn bà, quan hệ với họ một cách bất công: Vừa yêu họ lại vừa khinh họ, xa lánh, lạnh nhạt với họ sau khi gần gụi. Thái độ sống của Sương lại hoàn toàn khác Vũ.

Bị hành hạ, cưỡng bức, bị trả thù tàn bạo, khinh bỉ, ruồng bỏ, Sương cũng phẫn uất vì đau đớn về thể xác, bị lăng nhục về tinh thần nhưng trong Sương vẫn còn nguyên lòng trắc ẩn, yêu thương những đứa trẻ phải sống nghèo nàn, mù mờ, dốt nát. Những tâm hồn ngây thơ, trong sáng, sớm phải chứng kiến sự độc ác, mông muội làm Sương không chịu nổi, Sương phản kháng và chống lại.

Trong vở diễn có những lớp thật cảm động ví như lớp Nương thấy máu trong mình chảy mà Nương vẫn không biết mình đã thành thiếu nữ. Hay lớp Điền gào lên tình yêu đầu đời của cậu bé lần đầu biết được lòng mình. Phải chăng vì các tác giả đều là nữ nên đã có được những khám phá tinh tế ấy. Họ đã mô tả được cái khoảnh khắc thiêng liêng của sự vận động, chuyển mình của sự sống.

Trong vở diễn còn nhiều lớp kịch gây ấn tượng, chẳng hạn như lớp Út Vũ chết sau một trận hỗn chiến. Đúng là trên sân khấu không bao giờ người ta chết bình thường cả. Cái chết của Út Vũ là sự thanh lọc, sự tẩy rửa thường gặp trong bi kịch. Lời cuối cùng Út Vũ nói với Sương hãy đưa hai đứa con của mình về làng.

Út Vũ đã chấp nhận sự yêu thương, xóa bỏ hận thù. Con người cô đơn, cố chấp ấy cuối cùng đã thấy cái sai, cái lầm lẫn của mình. Không dễ dàng chút nào đối với con người như Út Vũ, nhưng chính nhờ có quá trình va chạm với Sương mà Út Vũ đã có một cử chỉ thật sự con người.

Diễn xuất của Khánh Hoàng trong Út Vũ, Thanh Thủy trong nhân vật Sương và Cát Phượng trong hai vai người mẹ và Nương đã thật sự chinh phục người xem.

Út Vũ của Khánh Hoàng là một tính cách vừa khắc khổ, khép kín vừa đầy những khát vọng thầm lặng. Một nhân vật rất kiệm lời và hành động dữ dội. Thể hiện một con người như vậy đòi hỏi ở người diễn viên một căn bản kỹ thuật diễn xuất cao.

Thanh Thủy đã thành công trong nhân vật Sương. Cần nhớ lại Thủy đã có nhiều nhân vật hài kịch đầy ấn tượng. Giờ đây khi trở về cày xới trên cánh đồng chính kịch, Thanh Thủy đã dẫn dắt người xem đi sâu vào thế giới nội tâm của người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, người có một cách sống vượt ra khỏi khuôn khổ bình thường của đời sống. Do vậy Sương của Thanh Thủy thật hấp dẫn và tình cảm.

Ở Cát Phượng là hai con người khác nhau trong không gian và thời gian. Một người đàn bà đã ở độ chín của mọi cảm xúc và một cô gái mà tất cả đều là lần đầu tiên. Nương của Cát Phượng không lộng lẫy như người mẹ, nhưng vẻ đẹp tâm hồn dễ làm lay động người xem.

Thành thực, nhuần nhị và không cường điệu là những dấu son mà cả ba nghệ sĩ đã để lại trong không gian khán phòng.

Bối cảnh, trang trí của Cánh đồng bất tận là một tạo hình đơn giản, đa chức năng kết hợp hội họa, kiến trúc với điện ảnh. Một màn hình lớn làm hậu cảnh thể hiện làm nền là các cảnh sông nước, ráng chiều hoàng hôn, lục bình, giàn mướp gợi không gian câu chuyện. Một tấm bục thấp hình ô-van làm điểm đậu của con thuyền có lúc là mũi thuyền, có lúc là lái thuyền, có lúc ta thấy cả lòng thuyền. Cảnh trí ước lệ kết hợp với hình ảnh thực của video đã tạo ra cái mênh mông bất tận của không gian, miêu tả được sự chuyển động của các sự kiện, các tính cách con người.

Lâu nay ít người xem chú ý đến một đặc trưng của Sân khấu 5B Võ Văn Tần là ở sân khấu này không dùng micro – khán giả được nghe giọng nói thật của diễn viên, được ngồi trong một không gian với diễn viên. Cánh đồng bất tận đã có nhiều điểm phù hợp với hình thức sân khấu này, do vậy hiệu quả của vở diễn đã tăng rõ rệt.

Việc đưa lên sàn diễn hoặc màn ảnh những tác phẩm văn học như Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ v.v... là chuyện không mới, tuy nhiên rất ít tác phẩm kịch hay hơn tác phẩm văn học. Cánh đồng bất tận là một thử thách, hy vọng khán giả sẽ đón nhận nó như đã từng đón nhận tác phẩm đọc.

NSƯT TRẦN MINH NGỌC
------------------------------
Tối hôm qua đi coi “Cánh Đồng Bất Tận”, quyển tiểu thuyết nổi đình đám một thời gian trước của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nay được chuyển thể thành kịch và đang diễn ở sân khấu 5B. Nội dung kịch không khác tiểu thuyết là mấy, nhưng kịch có phần thanh tao, thanh nhã hơn tiểu thuyết. Có lẽ do là kịch, nên những tiểu tiết vô cùng “tế nhị và nhạy cảm” đã được lượt bớt đi. Đằng nào, viết bậy cũng dễ hơn nói bậy mà… hehehe.

Dành những lời khen ngợi cho êkíp diễn viên trong vở này là một điều dư thừa vì báo chí đã khen đầy, mình chỉ thấy vở kịch có vài hạt sạn nho nhỏ, như là bản lĩnh sân khấu của cái dàn diễn viên gạo cội này thỉnh thoảng cũng bị mất. Những lúc diễn hài làm khán giả cười mà diễn viên cười theo khán giả thì… thiệt là phản cảm.

Vở kịch làm xúc động lòng người xem, cũng như quyển tiểu thuyết làm xúc động lòng người đọc. Cả hai đều mang đầy tính nghệ thuật và văn nên có lẽ vì thế, giá vé của vở kịch này lên tới 120K, trong khi đó mấy ở khác chỉ có 80K. Đúng là theo đóm ăn tàn, thừa nước đục thả câu, thừa gió bẻ măng mà… hichchic.

Post vài tấm hình tiêu biểu cho vở kịch. Phải công nhận, cái kỹ thuật trong kịch nói của 5B lúc này lên tay quá xá! Idecaf chắc chưa có kỹ thuật này. Chấm điểm cho vở kịch này: 8/10.



Photobucket
Photobucket


Photobucket
 
Photobucket
Photobucket


20 tháng 5, 2009

Lời rêu




Ngồi nghe đi nghe lại bài “Lời Rêu” mãi mà không biết chán...
 
Chí ít cũng hơn 15 năm rồi mình thích nó. Lục tung cả internet nhưng không có version của Nhã Phương, toàn là những ca sĩ … í ẹ như Ý Lan, Ngọc Anh, Hồng Ngọc, và luôn cả… Hương Lan. Ý Lan thì quá điệu đàng, nghe chẳng thấm vì đầy giả tạo, Ngọc Anh và Hồng Ngọc thì giọng như mấy cục bánh in, khô khan chả có chút tình cảm. Còn Hương Lan thì... thôi rồi Lượm ơi., cũng giống như Ngọc Sơn hát opera vậy! Có mỗi Trần Thu Hà nghe còn tàm tạm…


Ai đi qua xa vắng

Để chiều run một mình
Mười hai năm tỉnh giấc
Trắng đôi bờ tóc đen

Uống cùng nhau một giọt
Đắng cay nào chia đôi
Say cùng nhau một giọt
Trong mỗi đời pha phôi

Say cùng nhau người ơi
Chút nồng thơm cuối đời
Vướng dùm nhau sợi tóc
Ràng buộc trời sinh đôi

Cơn mưa như nước mắt
Phủ kín đời muộn phiền
Thời gian chung đã hết
Tháng ngày riêng cũng phai

Ngày mai ta bỏ đi
Trần gian xin trả lại
Đá tảng nào vô tri
Chết một đời rêu xanh.

Nhạc: Phú Quang 
Thơ: Nguyễn Thị Hoàng

Hôm nay, tự dưng dở chứng mở lại bài nhạc này, nghe & buồn… Nhưng thích nghe.


Một bài nhạc phổ thơ không khác nguyên bản là mấy, đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui… cũng chẳng có gì là ý nghĩa. Chỉ đơn thuần là cái cảm nhận của người viết về cuộc đời, về thân phận… nhưng nghe xong lặng cả người. Mỗi lời bài hát cứ như một thước phim chậm, quay ngược về hình ảnh, thân phận của mình hơn 15 năm về trước.
 
Ngày xưa, nghe chẳng hiểu gì cả… nhưng cũng như người ta nói, thơ hay nhạc đừng bao giờ nghe từng lời từng chữ, đừng phân tích, đừng để các con chữ đứng riêng rẽ mà hãy nghe bằng sự cảm nhận. Đúng vậy, ở cái tuổi mười tám như mấy đứa teen bây giờ thì để thấm nhuần cái ý nghĩa của bài này, thì… đúng là prematurely old.
 
Vậy đấy, thế mà mỗi lần nghe Nhã Phương hát bài này là cứ như nuốt từng nốt nhạc. Nghe đến đoạn “ Cơn mưa như nước mắt, phủ kín đời muộn phiền..” thì tự dưng nổi gai óc. Sao mà bi thương sầu thảm đến thế, nhưng chắc đúng. Tác giả ắt hẳn cũng trãi qua một cuộc sống bi thương, đau khổ lắm nên mới chiêm nghiệm ra những điều như thế.
 
Hôm nay nghe lại, nỗi đau vẫn còn nguyên hình nguyên vẹn ở đó, có điều, nó được gói ghém, bao bọc cẩn thận & nhét vào một góc khuất nào đó của tâm hồn, vậy mà bài hát này hôm nay lại lôi nó ra, để bản thân mình tự làm khô héo.
 
Có lẽ, chỉ đến khi “ngày mai ta bỏ đi, trần gian xin trả lại” thì nỗi ám ảnh ấy mới dứt được…

5 tháng 5, 2009

Bỏ Cuộc

Bỏ cuộc trong công việc là khi mà bạn không thấy được sự tiềm năng của một đối tác sau một thời gian theo đuổi tạo niềm tin và xây dựng mối quan hệ.
 
Bỏ cuộc trong tình yêu là khi bạn nhận ra một điều gì đó vô nghĩa, đó chỉ là thứ tình yêu mù quáng, đơn phương mà đôi khi, bạn đã chìm ngập & phung phí tình cảm của mình trong một thời gian dài.
 
Bỏ cuộc trong đời sống, là khi mà bạn buông tay đầu hàng số phận. Là khi mình không thể chiến thắng bản thân để vượt qua những thử thách của cuộc đời, chẳng hạn như bệnh tật, nghịch cảnh…
 
Chưa bao giờ mình có khái niệm bỏ cuộc. Bỏ cuộc là cho phép mình yếu đuối, nhu nhược & dễ đầu hàng số phận. Cái tính háo thắng nó thế, cứ phải xông lên phía trước dù biết phía trước sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Thế mà chẳng biết từ khi nào, mình lại bắt đầu dễ dàng bỏ cuộc. Dấu hiệu của tuổi già đấy…
 
Bắt đầu bỏ cuộc, là bắt đầu nhận ra rằng mình không cứng rắn như mình đã từng tưởng, nhận ra cái chân tướng mà từ lâu mình đánh dấu mình, đóng khung mình trong hình mẫu phải xù xì, gồ ghề để che bọc bên trong cái yếu đuối & nhạy cảm.
 
Bắt đầu bỏ cuộc, là lúc bắt đầu nhận ra rằng có rất nhiều thứ đi theo quỹ đạo của nó. Mỗi sự vật hiện tượng đều có quỹ đạo riêng, lối đi riêng nên không thể lèo lái, hay điều khiển nó đi theo ý của mình.
 
Bắt đầu bỏ cuộc, là lúc bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống có rất nhiều góc khuất, có nhiều nỗi buồn, có nhiều bất hạnh mà cho dù cố gắng xoa dịu, nỗi đau nó cứ vẫn trơ trơ.
 
Bắt đầu bỏ cuộc, là lúc cho mình sự tự giải phóng mình khỏi những phiền luỵ đời thường, khỏi những hỉ nộ ái ố mà tạo hoá ban tặng riêng cho loài người.
 
 
 
Tối hôm qua nằm nhà xem bộ phim The Curious Case of Bejamin Buttons, nói về nhân vật khác người về tuổi tác. Người ta cứ theo quy luật tuổi già, thì ngoại hình cũng già theo. Còn nhân vật Benjamin là một nhân vật đặc biệt, sinh ra mang ngoại hình của một ông già, dần theo thời gian, nhân vật này trẻ lại & chết đi trong một hình hài của một đứa bé.
 
Điều mà bộ phim muốn truyền tải một thông điệp là khi ta nhận ra rằng ta không còn ở lâu với những người mình thương yêu nữa, hãy sống cho họ, vì họ một cuộc sống trọn vẹn & hãy trân trọng từng phút giây bên người mình thân yêu.
 
Xem phim xong tự dưng có cái cảm giác sờ sợ, bộ phim như ám ảnh & xoáy đúng vào cái nơi thầm kín nhất của mình: không còn nhiều thời gian cho người thân & những người chung quanh. Suy đi nghĩ lại, thấy cuộc đời mình cũng quái dị không kém phần của Benjamin, có khác chăng mình không đi ngược với quy luật mà là đi trước quy luật. Ai cũng mình bảo già trước tuổi, già trước những người đồng trang lứa.
 
Nghĩ cũng buồn cười, người ta 9 tháng 10 ngày ra đời thì mình chỉ có 7 tháng là đã chui ra khỏi bụng mẹ để nếm trãi cuộc đời. Khi trẻ con bằng lứa trong xóm sống ở những cái tuổi hồn nhiên thì mình lại có những lo toan của những đứa trẻ tự lập. Khi những đứa bạn tuổi 20 ăn no, ngủ kỹ ở cái tuổi sinh viên thì mình lại lăn lộn với cuộc đời với cái suy nghĩ của những người 30. Giờ, ở cái lứa tuổi 30 thì mình cảm nhận mình chật chội trong một tư tưởng của một ông già 45-50 tuổi. Đã vậy còn kèm theo khuyến mãi của những cái bệnh tuổi già… hichichic.
 
Chẹp, dạo gần đây ít viết blog, chắc cũng vì cái suy nghĩ bỏ cuộc. Biết là Yahoo không hỗ trợ Yahoo 360 nữa, lỗi chưa vá tùm lum nên ai cũng tản hàng đi tìm nơi khác mà chơi… Nhưng nói vậy thôi, chớ ra vô cái chốn thân quen này cũng làm mình đỡ buồn. Ít ra là trãi lòng mình được. Còn có ai chia sẽ hay không thì… hạ hồi phân giải.
 
Thôi thì, hôm nay lại mò vào viết vài ba cái suy nghĩ chán đời, chứng tỏ là cũng còn hăng say chiến đấu, vẫn chưa bỏ cuộc. Mệt mỏi thì đôi khi dừng lại nghỉ ngơi vài ba lúc, rồi lại phải đứng dậy đi tiếp thôi… Riêng về cái khoản viết blog này, chắc là sẽ không bỏ cuộc… Viết cho đến khi Yahoo xoá sổ dịch vụ này, viết cho tới khi sức tàn lực kiệt, viết cho tới khi… nằm xuống với đất muôn đời.