Trang

20 tháng 11, 2008

Tản mạn ngày 20/11

Ba bốn năm nay, cứ đến ngày 20/11 là mình rảnh kinh khủng. (Chẹp, bất nhơn bất nghĩa, vô ơn thí ớn hông? Trong khi người ta bận bịu mua quà, hoa đến nhà thăm & tặng mấy thầy cô giáo cũ, thì mình lại quỡn như chưa từng được quỡn). Có còn thầy cô nào nữa đâu mà đến thăm! Có một người đề nghị mình quay về trường cũ, nhưng chắc gì hơn 15 năm xa cách, còn ai nhận ra mình nữa dù những năm cấp 3, mình cũng thuộc hạng học trò “có (tai) tiếng” ở trường… Hihihi.
 
Nói chơi thế thôi, chứ mình cũng đã từng có 2 cô giáo thương mình như con của họ (chắc tại mình ngoan, hiền.. kekeke. Ói chưa?). Một là cô H dạy Toán & là chủ nhiệm năm lớp 11, hai là Cô N dạy dinh dưỡng năm lớp 12. Trong suốt một đời học sinh của mình, chỉ có 2 cô giáo này khiến cho mình tin tưởng rằng, nghề giáo vẫn còn những thầy cô mang đạo đức & tư chất cao quý của nghề giáo đầy đủ & trọn vẹn nhất.
 
Cô H là cô giáo người Hà Đông còn khá trẻ, chẳc hơn mình cỡ 10 tuổi (chẳng biết có phải ảnh hưởng của cái nơi sinh sống hay sao mà cô rất dữ, sư tử Hà Đông mà... hihihi). Tính tình cô bộc trực, thẳng thắn góp ý chân tình những cái sai, đúng của bọn cựu học sinh tụi mình. Sẵn sàng tống cổ ngay những đứa học trò chẳng chịu học hành. Vì thế, trong năm cô chủ nhiệm, có một đứa con gái đã phải tự nghỉ học vì cô mắng trước lớp cái tội “yêu đương nhăng nhít” khi còn là học sinh. Ngày xưa, dưới lớp của cô, mình được bầu làm lớp trưởng, vì thế mọi sự ưu ái đều dành cho mình, vì trong xứ mù có thằng chột làm vua. Cái lớp mình quản lý, toàn là dân quậy chẳng chịu học hành, nên cô cũng thông cảm với khả năng quản lý của một học sinh gương mẫu trước những thằng... như ngựa kham bất trị. Hihihi.
 
Nhớ mãi lời của cô “Dạy thêm chúng bây làm gì để mang tiếng đì học trò khi học trò không đi học thêm. Thôi, chúng mày muốn học thêm ở đâu thì học, nhưng những gì cô dạy trên lớp là đủ lắm rồi.” Thế đấy, gia cảnh của cô cũng không đến nỗi nghèo nên chả cần phải dạy thêm, trong khi, những giáo viên dạy Toán khác mặc dù đã khá giàu, nhưng vẫn mở lớp dạy thêm & kéo học sinh mình làm chủ nhiệm về nhà dạy. Nhạy cảm như thế, đố đứa nào dám không đi học thêm...???
 
 
Cô N người Miền Nam, một bà mẹ miền Nam đúng nghĩa: chân thành, giản dị, thương học trò như con. Cái đám học sinh lớp mình có những đứa thuộc thành phần cá biệt, thỉnh thoảng nổi cơn quậy phá vào cái tiết học dinh dưỡng vì giáo viên bộ môn với tuýp người hiền nhất trường. Cái bọn ngựa kham bất trị của lớp mình đôi khi quậy phá, chọc ghẹo cô, khiến cứ mỗi sau tiết học, cô lại ngồi khóc thút thít. Tuy là lớp trưởng, nhưng chắc chắn một điều là mình không thể khiến chúng bạn nó nghe lời, nên cũng đành bất lực nhìn cô khóc. Có điều, sau mỗi tiết học ấy, mình lại lẳng lặng đến xin cô tha lỗi cho cái lớp có những thành phần cá biệt… Dần dà, mối liên hệ giữa cô giáo & học trò ngày càng khắng khít vì một cái lý do hết sức đơn giản: “Mày xấu, đen nhưng ngoan, học giỏi… giống thằng con lớn của tao” Hihihi. Một lần, thi học kỳ môn lịch sử, cô N được phân công gác thi phòng mình. Lúc làm bài, có một câu mình phải ngồi "cắn bút", cô N dấm dúi chuyền "phao" cho mình nhưng mình từ chối nhẹ, vì mình nghĩ bài mình cũng đạt được trên điểm trung bình nếu bỏ câu trả lời đó. Còn nếu lấy thì lỡ ai phát hiện chắc là... ngượng chết. Kể từ đó, nó trở thành câu chuyện mà sau này, mỗi khi ghé thăm cô, cô đều kể lại như nhắc lại những kỷ niệm đẹp. Mà đôi khi, thi thoảng cô lại mang ra kể với đồng nghiệp như một chuyện xưa nay chưa từng có, và là thành tích đáng tự hào.
 
Ra trường cấp 3, năm nào cũng thế, cứ đến ngày 8/3, 20/11 hoặc mùng 3 tết (người ta nói, mùng 1 tết cha, mùng 3 tết thầy mà) thì mình lại đến thăm 2 cô giáo. Bù lại, 2 cô giáo cũng thương mình như con. Biết hoàn cảnh của mình, nên cô H thì giới thiệu chỗ dạy kèm, cô N thì giới thiệu nơi để mình bỏ mối bánh kẹo mà kiếm tiền trong suốt những 5 năm đại học. Có bất cứ những công việc nào của sinh viên mà có thể kiếm ra tiền, cả 2 cô đều ưu tiên dành cho mình, nên mình chẳng cần phải đến những trung tâm giới thiệu việc làm, trong khi mấy đứa bạn của mình thì phải chạy đôn chạy đáo, tạo mối quan hệ ngoại giao với những người ở trung tâm đó. Chẳng phải như thế là hay ho gì, nhưng bù lại, mối quan hệ cô - trò trở nên như những người trong gia đình, ruột thịt…
 
Tới nhà cô N thăm cô, thỉnh thoảng có khách ra vào của gia đình, cô tự hào giới thiệu với khách, đây là học trò cũ, đã nhiều năm ra trường & đi làm nhưng năm nào cũng đúng ngày, đúng giờ thì ghé thăm cô, trên tay thỉnh thoảng một cái áo dài, một cái nồi, hay cái chảo… (vì cô dạy môn dinh dưỡng mà). Mình thì chả có cái sở thích tặng hoa, mặc dù hoa là món quà ý nghĩa trong ngày 20/11. Cả nhà cô từ 2 đứa con đến thầy - chồng cô đều biết ngày, giờ mình sẽ tới, vì hơn 10 năm trời, nó đã trở thành một cái thói quen& dấu ấn khó phai đối với gia đình cô. Cô bảo, cô dạy môn dinh dưỡng, chẳng phải là môn học chính nên chuyện học sinh có tình cảm & nhớ đến là một chuyện khó tưởng tượng ra. Nên lịch sử mấy chục năm có 1 học trò đều đặn đến thăm, ít nhất 1 lần trong năm là không có. Đứa con trai lớn của cô cũng trạc tuổi mình, thân với mẹ nên thỉnh thoảng cá độ với mẹ “năm nay, anh ấy có tới thăm mẹ hay không”. Rốt cuộc, cô là người thắng…
 
Vài ba năm nay, cả 2 cô đều dọn nhà đi nơi khác mà không để lại cho mình một lời nhắn. Nghe đâu, cô H thì dọn vô khu Khánh Hội, Q4 nhưng chả có ai biết nhà. Còn cô N thì dọn nhà về khu Bình Hưng, Huyện Bình Chánh để dưỡng già vì cô đã về hưu. Chẳng biết, cả 2 cô đều có số điện thoại di động của mình nhưng chẳng thấy cô "quánh dây thép" báo tin.
 
Đôi khi mình nghĩ, thầy cô thì cũng mong là sẽ có học trò nhớ tới mình, nhưng chẳng có ai nghĩ là mình có, nên đôi khi, có thì là một hạnh phúc nhỏ nhoi trong quãng đời dạy học, còn không có cũng là một lẽ thường tình. Nên vì thế, chắc là 2 cô quên đi còn một đứa học sinh vẫn nhớ tới 2 cô mỗi năm trong ngày 20/11, nhưng giờ biết tìm 2 cô ở nơi nào???
 
Dù thế nào đi nữa, chắc chắn một điều, mong 2 cô thi thoảng nghĩ qua rằng, vẫn còn có một đứa học sinh ngày nào đang nghĩ đến 2 cô mỗi dịp đến tháng 11.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét