Ngày xưa
“… Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…
… Buổi sớm mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
(Thanh Tịnh)
Ngày nay
“… Hằng năm cứ vào cuối xuân, mưa trên đường rơi nhiều và trên không có những đám mây đen sì, lòng tôi lại hồi hộp nhớ những kỷ niệm hoang mang của cảnh… đào đường.
… Buồi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy mưa ngâu và gió lạnh. Mẹ tôi run run nắm tay tôi băng qua con đường nhựa dài mà hẹp. Còn đường này tôi đã băng qua lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính con đường này cũng đang có sự thay đổi lớn: Mẹ! Chúng nó lại đào đường…”
(Saigonese)
---------------
Cũng như ông Thanh Tịnh (tên thế mà không biết lòng có thanh tịnh không nữa), con đường đi lại quá đỗi quen thuộc bỗng trở nên lạ lùng khi có một sự thay đổi lớn. Mấy hôm nay, cái đám Giao thông công chánh nó cho phép thêm một cái dự án cấp nước dẫn về Cần Giờ để phát triển thành phố ra phía biển, nên cái con đường Huỳnh Tấn Phát bắt đầu bị “giải phẩu thiếu thẫm mỹ”. Đây đó dọc ngang hầm hố, rào chắn, cừ tràm… choáng cả lối đi duy nhất của cái cửa ngõ quan trọng bậc nhất dẫn từ quận 7 về trung tâm TP.
Trong lịch sử ba mươi mấy năm chứng kiến sự thay đổi của Quận 7 nói riêng & Sài Gòn nói chung, đây là lần thứ 2, anh “Huỳnh Tấn Phát” bị giải phẫu thẫm mỹ, đại tu lại cái nhan sắc càng ngày càng xuống cấp của anh. Còn tiểu tu thì nhiều vô thiên lủng. Mà thẫm mỹ đâu chả thấy, chỉ thấy khói bụi & kẹt xe là cái hệ lụy mà bọn vô trách nhiệm thi công nó đang gây ra cho các “phó thường dân” như mình. Hichichic.
Hôm nọ, cái vụ 4 đứa trẻ từ 5-10 tuổi chết đuối ở Phường Tân Thuận Đông, có đăng lên báo Tuổi Trẻ, là do cái bọn thi công công trình đào đường, đào rất sâu mà không có rào chắn. Mưa xuống, mấy đứa trẻ ra tắm mưa rồi rơi tõm vào cái hố tử thần đó, cũng đã làm tui lao xao, bức xúc vì chuyện này cũng có tí xíu dây mơ rễ má với gia đình tui. Số là mấy đứa trẻ đó là con của người bà con của chồng em vợ ba tui. (Nhức đầu hông???)
Hổm rày bị ho, chắc là do hít khói bụi nhiều quá, mà cũng là hậu quả của tụi đào đường. Đành rằng là đào đường vì mục đích phát triển thành phố, nhưng điều đáng nói ở đây là cái tiến độ thi công công trình. Công trình nào đào đường cũng trương lên cái bảng quảng cáo đơn vị thi công, nhưng ở mục thời hạn công trình thì bỏ trống… Thành thử, chả có ma nào giám sát tiến độ thi công nên cái bộ mặt quận 7 lúc này, trông giống như thành phố “khảo cổ”.
Nói thế thôi, chứ cái chuyện đào đường này cũng “loãng moạn”, “rồ mắn tịt” lắm à nhe. Chả thế mà nhiều bài thơ, bài ca ca ngợi việc đào đường này lắm.
Hoàng Trung Thông thì có bài thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm…”, ý là nói bàn tay của con người, ý chí & sức mạnh của con người khi muốn đào đường thì cũng biến sỏi đá tảng thành nát vụn… Còn Trịnh Công Sơn thì có bài “Môi Hồng Đào”: “Một cuộc tình nhỏ bé, trên đôi môi hồng ĐÀO. ĐƯỜNG về xa lắm nhé, em không nhớ tôi sao?...” Hehehe.
Bức xúc thì chửi đổng thế thôi, chứ nó có muốn đào thì cũng phải chịu. Nghe đâu, trong thời gian sắm tới còn khoảng 120km mặt đường trong thành phố này phải chịu cảnh đào đào, xới xới, mà ít ra tới hơn năm 2010 mới xong mà. Thôi thì, làm người dân Sài Thành thì phải chịu cái cảnh sống chung với bụi chứ sao giờ…
Tự dưng hôm nay có cái hứng tản mạn về cái chuyện xã hội. Thiệt là… ruồi bâu hết sức!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét