Trang

23 tháng 6, 2008

Đào đường tạp ký

Ngày xưa
 
“… Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…
 
… Buổi sớm mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
 
(Thanh Tịnh)
 
Ngày nay
 
“… Hằng năm cứ vào cuối xuân, mưa trên đường rơi nhiều và trên không có những đám mây đen sì, lòng tôi lại hồi hộp nhớ những kỷ niệm hoang mang của cảnh… đào đường.
 
… Buồi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy mưa ngâu và gió lạnh. Mẹ tôi run run nắm tay tôi băng qua con đường nhựa dài mà hẹp. Còn đường này tôi đã băng qua lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính con đường này cũng đang có sự thay đổi lớn: Mẹ! Chúng nó lại đào đường…”
 
(Saigonese)

---------------


Cũng như ông Thanh Tịnh (tên thế mà không biết lòng có thanh tịnh không nữa), con đường đi lại quá đỗi quen thuộc bỗng trở nên lạ lùng khi có một sự thay đổi lớn. Mấy hôm nay, cái đám Giao thông công chánh nó cho phép thêm một cái dự án cấp nước dẫn về Cần Giờ để phát triển thành phố ra phía biển, nên cái con đường Huỳnh Tấn Phát bắt đầu bị “giải phẩu thiếu thẫm mỹ”. Đây đó dọc ngang hầm hố, rào chắn, cừ tràm… choáng cả lối đi duy nhất của cái cửa ngõ quan trọng bậc nhất dẫn từ quận 7 về trung tâm TP.
 
Trong lịch sử ba mươi mấy năm chứng kiến sự thay đổi của Quận 7 nói riêng & Sài Gòn nói chung, đây là lần thứ 2, anh “Huỳnh Tấn Phát” bị giải phẫu thẫm mỹ, đại tu lại cái nhan sắc càng ngày càng xuống cấp của anh. Còn tiểu tu thì nhiều vô thiên lủng. Mà thẫm mỹ đâu chả thấy, chỉ thấy khói bụi & kẹt xe là cái hệ lụy mà bọn vô trách nhiệm thi công nó đang gây ra cho các “phó thường dân” như mình. Hichichic.
 
Hôm nọ, cái vụ 4 đứa trẻ từ 5-10 tuổi chết đuối ở Phường Tân Thuận Đông, có đăng lên báo Tuổi Trẻ, là do cái bọn thi công công trình đào đường, đào rất sâu mà không có rào chắn. Mưa xuống, mấy đứa trẻ ra tắm mưa rồi rơi tõm vào cái hố tử thần đó, cũng đã làm tui lao xao, bức xúc vì chuyện này cũng có tí xíu dây mơ rễ má với gia đình tui. Số là mấy đứa trẻ đó là con của người bà con của chồng em vợ ba tui. (Nhức đầu hông???)
 
Hổm rày bị ho, chắc là do hít khói bụi nhiều quá, mà cũng là hậu quả của tụi đào đường. Đành rằng là đào đường vì mục đích phát triển thành phố, nhưng điều đáng nói ở đây là cái tiến độ thi công công trình. Công trình nào đào đường cũng trương lên cái bảng quảng cáo đơn vị thi công, nhưng ở mục thời hạn công trình thì bỏ trống… Thành thử, chả có ma nào giám sát tiến độ thi công nên cái bộ mặt quận 7 lúc này, trông giống như thành phố “khảo cổ”.
 
Nói thế thôi, chứ cái chuyện đào đường này cũng “loãng moạn”, “rồ mắn tịt” lắm à nhe. Chả thế mà nhiều bài thơ, bài ca ca ngợi việc đào đường này lắm.
 
Hoàng Trung Thông thì có bài thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm…”, ý là nói bàn tay của con người, ý chí & sức mạnh của con người khi muốn đào đường thì cũng biến sỏi đá tảng thành nát vụn… Còn Trịnh Công Sơn thì có bài “Môi Hồng Đào”: “Một cuộc tình nhỏ bé, trên đôi môi hồng ĐÀO. ĐƯỜNG về xa lắm nhé, em không nhớ tôi sao?...” Hehehe.
 
Bức xúc thì chửi đổng thế thôi, chứ nó có muốn đào thì cũng phải chịu. Nghe đâu, trong thời gian sắm tới còn khoảng 120km mặt đường trong thành phố này phải chịu cảnh đào đào, xới xới, mà ít ra tới hơn năm 2010 mới xong mà. Thôi thì, làm người dân Sài Thành thì phải chịu cái cảnh sống chung với bụi chứ sao giờ…
 
Tự dưng hôm nay có cái hứng tản mạn về cái chuyện xã hội. Thiệt là… ruồi bâu hết sức!

8 tháng 6, 2008

Tết Đoan Ngọ

Mùng năm tháng năm
Tao đâm mày chết
Mày lết vô nhà
Tao lấy chổi chà
Tao quét mày ra
Tao ca vọng cổ
Tao nhổ cây bông
Tao trồng cây chuối
Tao muối con cá
Tao đá trái banh
Tao sanh thằng nhỏ
Cái đầu đỏ đỏ
Cái đít vàng khè
Con mẹ bán chè
Bả sợ chè ế
Con mẹ bán khế
Bả sợ khế chua
Con mẹ bán cua
Bả sợ cua kẹp
Con mẹ bán kẹp
Bả sợ kẹp hư
Con mẹ bán lư
Bả sợ lư mờ
Con mẹ bán cò
Bả sợ cò bay
Con mẹ bán khoai
Bả sợ khoai sùng
Thằng cha …. lùn
Đi gánh cứt heo.


Ngày xưa, cứ mỗi mùng năm tháng năm là trẻ con chúng mình cứ nghêu ngao hát cái bài đồng dao khá là “trần tục” này. Ấy vậy mà vẫn thấy hay, vẫn nghêu ngao hát mỗi khi vào cái dịp “bắt sâu bọ”. Cái chỗ "ba chấm" đó là nơi mà để mình ghét ai, thì mình chêm cái tên của họ vào, rồi hát. Giả sử tui ghét bạn Huy – có trong friend list của tui, thì sẽ thêm cái tên Huy vào cái chỗ bỏ lửng lơ đó. Hehehe.

Hừm, con nít bây giờ thì làm gì biết mấy cái bài hát ngộ nghĩnh này nữa, cũng chẳng còn tí nào là truyền thống để mà biết nét văn hoá của người Việt đâu. Mạn phép nhảm sơ qua về cái nguồn gốc của ngày “mùng năm tháng năm” một tí.

Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

Tháng Năm ngày tết Đoan dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang


Ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà", thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen


Tại Việt Nam còn coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này có tục "giết sâu bọ" bằng cách sáng sớm chưa ăn uống gì đã được lót dạ bằng hoa quả đương mùa và rượu nếp. Trẻ con được treo cho những túi bùa bằng vụn lúa các màu khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất... buộc chỉ ngũ sắc kết tua (gọi là bùa tua bùa túi), móng tay móng chân được nhuộm đỏ bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón chân kề ngón cái), bôi hồng hoàng (một vị thuốc có màu đỏ pha vàng) vào thóp, vào ngực, vào rốn… để trừ tà ma bệnh tật. Có nơi phụ huynh bôi vôi vào cổ cho con cái lúc đi ngủ để trừ bệnh tật.
Trong tết này, các gia đình có làm lễ cúng gia tiên, cỗ cúng có cả chay lẫn mặn. Các chàng rể phải sắm quà biếu bố mẹ vợ nhân tết mồng năm, trong đó thường có mấy thứ: ngỗng, dưa hấu, hoặc đậu xanh đường cát. Học trò cũng đến tết thầy, lễ vật tuỳ tâm, đại thể cũng như trên. Ở một số vùng quê, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5 tháng 5, nhiều người còn đi hái lá làm thuốc, vì tin rằng lá hái trong giờ phút này dù chỉ là các lá thông thường như lá chanh, lá bưởi, kinh giới, tía tô, ngải cứu, sen vồng..., đều trở nên công hiệu hơn rất nhiều. Ở một số vùng, người dân còn có tục lệ khảo mít: một người ở dưới đất gõ vào gốc mít tra khảo, một người trèo lên cây thay mặt cây mít trả lời, với hy vọng sang năm cây cối sai quả. Tuy nhiên gần đây, những sắc thái phong tục truyền thống Việt trong lễ này không còn được xem trọng. (Theo Wikipedia)


Hìhìhì, nói thế thôi, chứ bây giờ cần gì ba cái bài đồng dao nham nhảm ấy nữa. Con nít bây giờ cũng sống, cũng hi-tech & ăn chơi sung sướng trong cái ngày mùng năm tháng năm mà có cần biết gốc gác của nó là gì. Mình thiệt là… lẩm cẩm!

Tết Đoan Ngọ năm nay mình theo chân tụi bạn xuống Long Khánh sa đoạ một bữa, làm tài xế cho tui có bạn Huy – trong friend list của tui nè. Tài xế xe ôm đúng nghĩa luôn đó. Nói nào ngay, say xỉn từ tối hôm thứ 7 đến sáng CN vẫn chưa tỉnh nên nhờ bạn Huy chở đi. Kekeke. Sau khi tới Long Khánh thì mới tỉnh lại để đi vòng vòng ăn chôm chôm, sầu riêng, bưởi…

Gửi mọi người vài tấm ảnh chụp ở vườn trái cây Long Khánh coi chơi. Do máy điện thoại hết pin, với lại ham hố chụp mấy cái cây ít quả nên tới lúc qua đến mấy cây chôm chôm, sầu riêng sai quả thì không chụp được nữa. Tiếc thật! Còn thêm mấy bữa ăn hoành tráng ở trong nhà & ăn ở quán Lẩu Tôm Năm Ri ở Biên Hoà (quán lẩu này nổi tiếng đến nỗi mà nhiều người Sài Gòn cũng biết, cuối tuần thỉnh thoảng lại đánh ô tô đi xuống dưới ăn cái lẩu rồi về). Không có chụp lại mấy món ăn ở Long Khánh & quán Lẩu Tôm Năm Ri cho mí người thèm chơi.


Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket


Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

Có 3 loại chôm chôm được phân biệt như sau: Chôm chôm lông ngắn, chôm chôm lông vừa và chôm chôm lông dài (tương ứng là chôm chôm nhãn, chôm chôm thường & chôm chôm Thái). Vậy mà không gọi tên cúng cơm của nó, cứ lôi cái tên tục ra mà gọi. Hình tượng hết sức!

Thôi, còn nữa nhưng bữa nào quỡn tường thuật tiếp!